
1.1. Phong trào Thơ mới (1932- 1945) là một hiện tượng nổi bật của văn học Việt Nam, đặc biệt là của thơ ca trong thế kỉ XX. Thơ mới trước hết là cuộc thể nghiệm táo bạo, đánh dấu bước ngoặt trong lộ trình đổi mới của lịch sử văn học Việt Nam, có ảnh hưởng mạnh mẽ, lâu dài cho đến tận hôm nay và mãi sau này. Những thành tựu của Thơ mới đã tồn tại như một thách thức lớn đối với các thế hệ thơ kế tiếp. Hiện vẫn rất nhiều nhà thơ hiện đại và cả đương đại chưa thể thoát khỏi từ trường của Thơ mới. Tuy nhiên, lịch sử văn học nói chung và lịch sử thi ca nói riêng là một dòng chảy mang tính biện chứng với sự tiếp nối của nhiều thế hệ nhà thơ không ngừng cách tân để thúc đẩy nền văn học nước nhà phát triển. Trong hành trình cách tân thi ca nhằm vượt thoát từ trường Thơ mới để tìm đến những giá trị mới, phải kể đến các gương mặt tiêu biểu của phong trào Nhân văn Giai phẩm (1956- 1958) như Lê Đạt, Trần Dần, Đặng Đình Hưng, Hoàng Cầm, Phùng Quán, Hữu Loan, Phùng Cung... Họ là thế hệ nhà thơ kế tiếp các nhà thơ thuộc phong trào Thơ mới muốn thực hiện một cuộc cách tân toàn diện trong lĩnh vực thi ca. Tuy nhiên, như nhà thơ Mai Văn Phấn đã từng nhận định khi nói về những gương mặt cách tân tiên phong: “Qua mỗi giai đoạn một số nhà thơ đã tự phát và đơn độc khởi xướng cách tân, nhưng không trụ được trong dòng thác thói quen thẩm mĩ của đám đông lúc đó, bởi rất nhiều nguyên nhân như hoàn cảnh lịch sử, mặt bằng văn hóa bạn đọc và tài năng không đủ để độc sáng” [58, 382], do nhiều lí do mà Nhân văn Giai phẩm đã trở thành cuộc cách mạng văn học (nói chung) và thi ca nói riêng không thành.