
Cuộc sống là một chuỗi những sự kiện, biến cố đến với chúng ta và không phải sự kiện, biến cố nào cũng mang đến cho chúng ta những niềm vui và hạnh phúc. Thật vậy, với những người khuyết tật (NKT), dù cho là vì biến cố rủi ro bất ngờ hay yếu tố bẩm sinh di truyền thì họ cũng đều phải chịu những đau khổ, thiệt thòi nhất định trong cuộc sống. Theo con số của Bộ LĐ-TB&XH, tính đến tháng 6-2015, Việt Nam có khoảng 7 triệu người khuyết tật, chiếm 7,8% dân số, người khuyết tật đặc biệt nặng và nặng chiếm khoảng 28,9%, khoảng 58% người khuyết tật là nữ, 28,3% người khuyết tật là trẻ em, 10,2% người khuyết tật là người cao tuổi, khoảng 10% người khuyết tật thuộc hộ nghèo. Những NKT này họ đang phải đối mặt với rất nhiều những khó khăn trong cuộc sống về y tế, giáo dục, việc làm …trong đó có vấn đề kỳ thị, phân biệt với NKT. Chính sự kỳ thị, phân biệt đối xử này đã làm cản trở, tạo nên những rào cản lớn để NKT có thể khắc phục khó khăn, vươn lên, hòa nhập với cộng đồng, gây những tác động, hệ quả tiêu cực đến cuộc sống của NKT cũng như gia đình họ. Để có thể hỗ trợ được tốt nhất cho NKT giúp họ phát huy được năng lực bản thân, hòa nhập cuộc sống, đóng góp cho gia đình và xã hội thì điều quan trọng đặt ra là cần phải xóa bỏ được tình trạng kỳ thị, phân biệt đối xử với NKT và để làm được điều này cần có sự tham gia, chung tay của nhiều ban ngành, lĩnh vực và toàn xã hôi trong đó có ngành công tác xã hội, một ngành luôn hướng tới việc xây dựng một xã hội tốt đẹp, hướng tới những đối tượng yếu thế trong xã hội, trong đó có NKT.